VietinBank giảm hơn 3.000 tỷ chi phí dự phòng, lợi nhuận quý I bật tăng 170%
Một trong những nhân tố chính giúp VietinBank tăng trưởng lợi nhuận trong quý vừa qua là việc không phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đối với trái phiếu VAMC.
Trong quý I vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8.060 tỷ đồng, tăng 171% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này khá sát với ước tính lãi 7.000 – 8.000 tỷ mà ban lãnh đạo ngân hàng này đưa ra tại đại hội cổ đông thường niên ngày 16/4 vừa qua.
Lãi sau thuế đạt 4.066 tỷ đồng, tăng 169%. Ba nhân tố chính đóng góp vào kết quả kinh doanh khả quan của VietinBank là:
* Thu nhập lãi trong quý vừa qua giảm 2% so với cùng kỳ 2020, ghi nhận gần 21.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi được kiểm soát tốt và giảm tới 20%. Vì vậy thu nhập lãi thuần vẫn tăng 26%.
* Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 21% chủ yếu do tốc độ tăng thu dịch vụ (15%) cao hơn tỷ lệ tăng chi dịch vụ (8%).
* Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý I giảm 3.043 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái do VietinBank không còn phải trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành. Trong năm 2020, VietinBank đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng thời điểm 31/3 là hơn 1 triệu tỷ đồng, hầu như không thay đổi so với ngày đầu năm. Trong đó, tổng giá trị nợ xấu (nợ nhóm 3 – 5) là trên 8.950 tỷ đồng, giảm hơn 560 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu theo đó cũng giảm từ 0,94% còn 0,88%.
Theo thời hạn gốc, cho vay ngắn hạn chiếm hơn 58% dư nợ của VietinBank thời điểm cuối quý I, cho vay dài hạn chiếm gần 36%, còn lại là cho vay trung hạn. Nhìn chung cơ cấu kỳ hạn không thay đổi nhiều so với ngày đầu năm.
Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương với cho vay khách hàng và tăng 1,3% so với ba tháng trước. Tiền, vàng gửi có kỳ hạn khoảng 816.000 tỷ; gửi không kỳ hạn khoảng 181.000 tỷ.
• VietnamBiz