‘VietinBank, Vietcombank và BIDV mất 2,74% thị phần tín dụng trong hai năm qua, hơn một nửa rơi vào tay Techcombank, VPBank, MB, ACB’
Theo VDSC, mức trần tăng trưởng tín dụng hạn chế do nền tảng vốn mỏng là nguyên nhân khiến tăng trưởng của nhóm ngân hàng quốc doanh thấp hơn bình quân ngành. Điều này xuất phát từ dư địa hạn chế trong việc pha loãng tỉ lệ sở hữu Nhà nước, đặc biệt tại VietinBank.
Theo số liệu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các ngân hàng quốc doanh niêm yết (gồm VietinBank, Vietcombank và BIDV) chiếm khoảng 34% thị phần tín dụng. Tuy nhiên, những ngân hàng này lại ghi nhận kết quả tương đối kém trong những năm gần đây.
Trường hợp đáng chú ý nhất là VietinBank khi thị phần tín dụng của ngân hàng đã giảm 1,96 điểm % trong hai năm tính đến cuối quý III/2020. Trong cùng thời gian, thị phần BIDV giảm 0,7 điểm % và thị phần của Vietcombank giảm 0,08 điểm %.
VDSC cho biết, trong 2,74 điểm % thị phần tín dụng mà các ngân hàng này đã mất, bốn ngân hàng tư nhân lớn nhất về giá trị vốn hóa thị trường là Techcombank, VPBank, MB và ACB, giành được 1,58 điểm %. Riêng trong 9 tháng đầu năm nay, thị phần của các ngân hàng quốc doanh niêm yết giảm 0,81 điểm % trong khi bốn ngân hàng tư nhân lớn nhất chứng kiến mức tăng 0,74 điểm %.
Theo nhóm phân tích, mức trần tăng trưởng tín dụng hạn chế do nền tảng vốn mỏng là nguyên nhân khiến tăng trưởng của nhóm ngân hàng quốc doanh thấp hơn bình quân ngành. Điều này xuất phát từ dư địa hạn chế trong việc pha loãng tỉ lệ sở hữu Nhà nước.
Trước khi Nghị định 121/2020/NĐ-CP được ban hành, ngành ngân hàng không nằm trong số các ngành mà Chính phủ được phép đầu tư bổ sung vốn.
Không may, sở hữu của Nhà nước tại VietinBank đã ở mức 65% trong nhiều năm, trong khi hiện tại Chính phủ chưa cho phép tỉ lệ sở hữu chi phối thấp hơn mức này đối với các ngân hàng. Dù Chính phủ có ý định giảm tỷ lệ này tại các ngân hàng xuống 51% vào năm 2025, nhưng vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào được ban hành để hướng dẫn thực hiện thoái vốn.
Tại BIDV và Vietcombank, dù cũng đang khát vốn, nhưng có dư địa lớn hơn để pha loãng cổ phần của Nhà nước.
“Do đó, Nghị định 121 mới được ban hành rất quan trọng đối với VietinBank. Nghị định sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng quốc doanh phát hành riêng lẻ, được kỳ vọng sẽ cải thiện nguồn vốn của VietinBank và triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn”, VDSC nhận định.
Về phương án tăng vốn, VDSC cho biết VietinBank sẽ phát hành khoảng 9.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn dài để hỗ trợ vốn cấp 2. Con số này được dự đoán sẽ chỉ đủ đáp ứng khoảng một năm tăng trưởng tín dụng trên 10%, đồng thời gây áp lực lên chi phí huy động vốn và tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM).
Vì vậy, nhóm phân tích đánh giá đây là giải pháp tạm thời. Các giải pháp được chấp thuận khác bao gồm cố tức bằng cổ phiếu và cổ tức bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, VDSC không nghĩ rằng kế hoạch này thực sự hữu ích trong tình hình hiện tại và vẫn mong đợi một đợt phát hành riêng lẻ. Cổ tức bằng cổ phiếu sẽ làm tăng vốn điều lệ, nhưng chỉ mang hình thức kế toán. Nó không tác động đến vốn cấp 1. Mặt khác, việc chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ làm giảm vốn cấp 1, và điều này là tiêu cực đối với VietinBank, nhưng sẽ hỗ trợ ngân sách Nhà nước.
Tương tự như trường hợp của Vietcombank, bất kỳ hình thức cổ tức nào cũng không cải thiện tỉ lệ an toàn vốn (CAR).
“VietinBank cần sớm phát hành riêng lẻ để tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2021 và xa hơn, hoặc việc mất thị phần sẽ tiếp diễn do các ngân hàng tư nhân đang tăng trưởng mạnh”, VDSC đánh giá.
• VietnamBiz