Metaverse là gì? Cuộc cách mạng của Internet thế hệ tiếp theo
Gần đây, Facebook thông báo thành lập một nhóm phụ trách hiện thực hóa tầm nhìn của Mark Zuckerberg về Metaverse. “Đây là một phần quan trọng trong chương tiếp theo của ngành công nghệ”, Mark nói. Ông cho biết trong vòng 5 năm tới, Facebook sẽ chuyển từ “chủ yếu là một công ty truyền thông xã hội sang một công ty Metaverse”. Và đây chính là phát súng báo hiệu một kỷ nguyên Internet mới.
Hãy tưởng tượng một thế giới mà bạn có thể ngồi nói chuyện với người yêu, ngồi họp với đối tác hoặc nhậu cùng một bàn với bạn bè ở khoảng cách hàng ngàn km. Nó không chỉ đơn thuần như hai người call video mà thực tế hơn rất nhiều, đặc biệt là với sự kết hợp của 5G. Đây chính là tầm nhìn về tương lai mà Facebook đang hướng tới, điều mà họ coi như bước đại nhảy vọt kế tiếp trong sự phát triển của Internet.
Về cơ bản, một phòng họp trong Metaverse sẽ như thế này.
Trên tất cả, đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy cuộc cách mạng này đi nhanh hơn bao giờ hết.
Metaverse là gì?
Metaverse là một vũ trụ ảo, được tạo ra bởi sự hội tụ của thực tế ảo (AV) và thực tế tăng cường (AR), bao gồm tổng tất cả các thế giới ảo, thực tế tăng cường và Internet. Metaverse được kết hợp của từ Meta – nghĩa là Vượt ra ngoài (Beyond) và Verse, viết tắt của Universe – nghĩa là Vũ Trụ. Thuật ngữ này thường được sử dụng để mô tả khái niệm về sự lặp lại trong tương lai của Internet, được tạo thành từ các không gian ảo 3D liên tục, được chia sẻ và liên kết với nhau thành một vũ trụ ảo có thể nhận thức như một thế giới thực.
Tên gọi Metaverse được nhà văn Neil Stephenson đưa ra lần đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng Snow Crash xuất bản năm 1992, nơi con người được đại diện bởi Avatar có thể tương tác với nhau. Stephenson đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả một thiết bị kế thừa dựa trên thực tế ảo cho Internet. Trong Snow Crash, Metaverse được mô tả như một thế giới mới có thể viết lại các chuẩn mực xã hội, các hệ thống giá trị và thoát khỏi sự cứng nhắc về văn hóa và kinh tế.
Ai được hưởng lợi từ Metaverse?
Nếu bạn dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về các công ty công nghệ lớn như Apple, Facebook, Google và Microsoft, bạn có thể cảm thấy những tiến bộ trong công nghệ (như sự trỗi dậy của metaverse) là điều không thể tránh khỏi. Sau đó, thật khó để không bắt đầu suy nghĩ về cách những công nghệ mới này sẽ định hình xã hội, chính trị và văn hóa của chúng ta như thế nào, cũng như cách chúng ta có thể hòa hợp với tương lai đó.
Ý tưởng này được gọi là “thuyết tất định công nghệ” (Technological Determinism), được hiểu là tiến bộ trong công nghệ định hình các mối quan hệ xã hội, quan hệ quyền lực và văn hóa, mà trong đó chúng ta chỉ như những vị khách không làm được gì. Nó bỏ qua thực tế rằng trong xã hội dân chủ, chúng ta có tiếng nói trong việc tất cả những điều này diễn ra như thế nào.
Đối với Facebook và các tập đoàn lớn khác, quyết tâm nắm lấy “điều tối quan trọng tiếp theo” trước các đối thủ cạnh tranh khiến Metaverse trở nên rất thú vị vì nó tạo cơ hội cho các thị trường mới, các loại mạng xã hội mới, thiết bị điện tử tiêu dùng mới và bằng sáng chế mới.
Facebook Horizon Workrooms – Kẻ tiên phong trong lĩnh vực Metaverse
Sự tiến hóa
Trong thế giới hiện tại, hầu hết chúng ta đang vật lộn với những vấn nạn do con người gây ra như đại dịch, biến đổi khí hậu và sự tuyệt chủng của các loài vật. Chúng ta đang đấu tranh để hiểu cuộc sống tốt đẹp sẽ như thế nào với công nghệ mà chúng ta đã áp dụng (thiết bị di động, mạng xã hội và kết nối toàn cầu có liên quan đến nhiều tác động không mong muốn như lo lắng và stress).
Những ý tưởng theo phong cách Metaverse có thể giúp tổ chức xã hội một cách hiệu quả hơn. Các tiêu chuẩn và giao thức được chia sẻ mang nhiều thế giới ảo và thực tế tăng cường khác nhau vào cùng một Metaverse mở, duy nhất có thể giúp mọi người làm việc cùng nhau và giảm thiểu nỗ lực trùng lặp.
Ví dụ, ở Hàn Quốc, một “Liên minh Metaverse” đang thuyết phục các công ty và chính phủ hợp tác với nhau để phát triển nền tảng thực tế ảo quốc gia mở. Một phần quan trọng của vấn đề này là tìm cách kết hợp điện thoại thông minh, mạng 5G, thực tế tăng cường, tiền kỹ thuật số và mạng xã hội để giải quyết các vấn đề cho xã hội (và tạo ra lợi nhuận về mặt lý thuyết).
Những tuyên bố tương tự về chia sẻ và cộng tác đã được đưa ra trong những ngày đầu của Internet. Nhưng theo thời gian, lời hứa ban đầu đã bị gạt sang một bên bởi sự thống trị của các nền tảng lớn và chủ nghĩa tư bản giám sát.
Internet đã rất thành công trong việc kết nối mọi người trên khắp thế giới với nhau và hoạt động như một Thư viện Alexandria hiện đại, chứa đựng những kho kiến thức khổng lồ. Tuy nhiên, nó cũng đã tăng cường tư nhân hóa các không gian công cộng, mời gọi quảng cáo ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta, gắn kết chúng ta với một số ít các công ty khổng lồ, họ thậm chí có sức mạnh hơn rất nhiều quốc gia, và dẫn đến việc thế giới ảo chiếm lấy thế giới vật chất thông qua việc hủy hoại môi trường.
Vượt ra ngoài thế giới
Các vấn đề lớn hơn với Metaverse là về loại thế giới quan mà nó sẽ đại diện.
Trong một thế giới quan, chúng ta có thể nghĩ mình là những hành khách bên trong một thực tế duy nhất, giống như một vật chứa đựng cuộc sống của chúng ta. Thế giới quan này có lẽ quen thuộc với hầu hết người đọc và cũng mô tả những gì bạn thấy trên Facebook: một “nền tảng” tồn tại độc lập của bất kỳ người dùng nào.
Trong một thế giới quan khác, mà các nhà xã hội học đề xuất là phổ biến trong nền văn hóa bản địa, mỗi chúng ta tạo ra thực tế mà chúng ta đang sống thông qua những gì chúng ta làm. Các thông lệ như công việc và nghi lễ kết nối con người, đất đai, cuộc sống, tâm linh cùng nhau tạo ra thực tế.
Một vấn đề then chốt của quan điểm trước là nó dẫn đến “thế giới chỉ bao gồm một thế giới”: một thực tế không cho phép các thực tế khác cùng tồn tại. Đây là những gì chúng ta đã thấy trên các nền tảng hiện có.
Phiên bản hiện tại của Facebook có thể tăng khả năng kết nối bạn với nhiều người và cộng đồng khác. Nhưng đồng thời nó cũng giới hạn cách bạn kết nối với họ: những tính năng như 6 “biểu tượng cảm xúc” cài đặt sẵn cho các bài đăng và nội dung được chọn bởi thuật toán vô hình định hình toàn bộ trải nghiệm.
Tương tự, một game như Battlegrounds của PlayerUnknown (với hơn 100 triệu người dùng đang hoạt động) cho phép khả năng vô hạn về cách chơi, nhưng xác định các quy tắc mà game có thể chơi.
Bằng cách di chuyển nhiều hơn nữa cuộc sống của chúng ta sang một nền tảng thuộc vạn vật, ý tưởng về Metaverse mở rộng vấn đề này đến mức độ sâu hơn. Nó cung cấp cho chúng ta khả năng vô hạn để vượt qua những hạn chế của thế giới vật chất, nhưng khi làm như vậy, thật ra chỉ là thay thế chúng bằng các ràng buộc của những gì Metaverse sẽ cho phép.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Nvidia, Jensen Huang, đã chia sẻ tác động của Metaverse về góc độ cảm xúc: “Chúng tôi gần như cảm thấy như đang ở bên nhau. Nếu chỉ là cảm thấy thú vị, thì Internet đã đủ, nhưng Metaverse còn nhiều hơn thế nữa. Mặc dù có thể nằm đâu đó ở tương lai, nhưng nếu xảy ra, Metaverse trông gần gũi hơn bao giờ hết”.
Mời các bạn tham gia Telegram của chúng tôi để cập nhật tin tức nhanh hơn: https://t.me/tapchibitcoinvn
Minh Anh
Theo AZCoin News
Theo dõi trang Twitter | Theo dõi kênh Telegram | Theo dõi trang Facebook