Cha đẻ của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số DC/EP
Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan- 周小川) đã giúp mở đường cho tiền kỹ thuật số quốc gia của Trung Quốc (DC/EP) mà dự kiến sẽ có tác động lớn đến cả Trung Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Chu Tiểu Xuyên – Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc
Một số chuyên gia tin rằng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể thách thức vị thế tối thượng của đô la Mỹ, phá vỡ ngành thanh toán di động đang phát triển tốt của Trung Quốc và tạo ra hiệu quả mới trong nền kinh tế trong nước. Một phần nhờ vào những nỗ lực của ông Chu, Trung Quốc đang đi đầu trong việc đổi mới tiền tệ mặc dù vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch ban đầu.
Chu Tiểu Xuyên là ai?
Chu Tiểu Xuyên (72 tuổi) là một trong những nhân vật kinh tế có ảnh hưởng nhất trên thế giới và được Foreign Policy xếp hạng thứ 4 (đứng sau hai tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates và tổng thổng Barack Obama) trong báo cáo Top 100 Nhà tư tưởng toàn cầu (Top 100 Global Thinkers) tháng 12 năm 2010. Trong cả hai năm 2011 và 2012, ông đã được đưa vào danh sách 50 nhân vật ảnh hưởng nhất trong bảng xếp hạng của Tạp chí Bloomberg Markets.
Chu Tiểu Xuyên là thống đốc lâu nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Ông đã lãnh đạo ngân hàng trong 15 năm kể từ năm 2002, vào thời kỳ quan trọng đối với sự phát triển của DC/EP. Ông còn là một đồng minh thân cận với cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và nhóm các chính trị gia Thượng Hải, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình cũng là một thành viên.
“Ngân hàng trung ương cho rằng công nghệ tài chính có thể thay đổi mạnh mẽ tương lai của thanh toán kỹ thuật số và chúng tôi rất khuyến khích đổi mới fintech, nhưng tiền kỹ thuật số và blockchain sẽ gây ra tác động bất ngờ và chúng tôi cần giúp phát triển chúng đồng thời phòng ngừa mọi rủi ro tiềm ẩn phía trước”, ông Chu cho biết trong cuộc họp báo vào tháng 3/2017.
Như thường thấy ở các quan chức quyền lực của Trung Quốc, thông tin về cá nhân ông Chu tương đối ít. Nhưng nghiên cứu kỹ các bài viết và quan sát về ông từ các chuyên gia đã vẽ nên bức tranh về một người đàn ông có gu hướng ngoại: Ông thông thạo tiếng Anh và thích uống rượu vang Pháp, chơi tennis với các nhà lãnh đạo nước ngoài và nghe các chương trình radio tiếng Anh như Voice of America (VOA) trong phòng làm việc.
Kể từ khi nghỉ hưu vào năm 2018, ông Chu đang làm phó chủ tịch Boao Forum cho châu Á, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tổ chức các hội nghị cho các nhà lãnh đạo thế giới.
Người mở đường cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số
James Cooper, phó hiệu trưởng tại trường luật California Western School of Law, đã từng là thành viên phái đoàn của chính phủ Hoa Kỳ tới Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới và cố vấn cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về các công nghệ mới nổi, cho biết:
“Ngân hàng trung ương Trung Quốc xem dự án DC/EP là mũi nhọn vào thời điểm mà các ngân hàng khác rất nghi ngờ về khái niệm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Ông Chu hiểu rất nhiều về vai trò ngày càng tăng của đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế với tham vọng thay thế đồng đô la Mỹ và trở thành tiền dự trữ toàn cầu duy nhất. Trong khi phương Tây đang bận rộn trình bày lý do tại sao CBDC chưa được triển khai và những thách thức của nó thì Trung Quốc đã âm thầm phát triển tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương trong 5 năm qua”.
Cooper cho biết, với kinh nghiệm sâu rộng và nền tảng kỹ trị, Chu Tiểu Xuyên đã trở thành người tiên phong thúc đẩy DC/EP.
Sau khi nhận bằng Tiến sĩ về Tự động hóa và Kỹ thuật Hệ thống tại Đại học Thanh Hoa, ông Chu đã giúp cải cách các chính sách kinh tế từ ngoại hối, thương mại quốc tế đến các quy định trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, theo tiểu sử của ông trên Group of Thirty (G30), là một nhóm tư vấn của các nhà tài chính và học giả hàng đầu thế giới có trụ sở tại Washington, DC.
Được giám sát bởi PBOC, dự án tiền kỹ thuật số của Trung Quốc được theo dõi trên khắp thế giới. Nhiều ngân hàng trung ương đang xem xét tiền kỹ thuật số (CBDC) nhưng dự án của Trung Quốc đã đi trước vài năm. Dưới thời ông Chu, PBOC đã thực hiện công việc kỹ thuật, thiết kế và chính sách chi tiết cần thiết để số hóa một loại tiền tệ vào năm 2014. Ngược lại, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell đến nay vẫn nhấn mạnh thận trọng trong việc phát triển đồng đô la kỹ thuật số, cho thấy ít có khả năng sớm xuất hiện.
Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm DC/EP trong năm nay tại Thâm Quyến và Tô Châu với các khoản quà tặng trị giá 4,5 triệu đô la để thử nghiệm cách nó hoạt động. PBOC dự định triển khai các thử nghiệm khác cho người dùng quốc tế trong Thế vận hội Olympic mùa đông tại Bắc Kinh năm 2022. Họ hy vọng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ khiến nhân dân tệ (NDT) được sử dụng rộng rãi trong hệ thống ngân hàng toàn cầu nhằm chống lại sự thống trị của đồng đô la Mỹ cũng như kiềm chế những gã khổng lồ thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc như Alipay và Wechat Pay.
Lãnh đạo Dự án Libra (nay là Diem) của Facebook David Marcus cho biết Trung Quốc sẽ tạo ra một hệ thống tiền tệ kỹ thuật số hoàn toàn nằm ngoài tầm với của các nhà chức trách Hoa Kỳ, dẫn đến lệnh trừng phạt tài chính của Hoa Kỳ sẽ có rất ít tác dụng. Nếu DC/EP được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới, nhiều quốc gia có thể chọn đồng nhân dân tệ thay thế cho đồng đô la để thực hiện dịch vụ thanh toán và thanh toán bù trừ quốc tế.
Ổn định hệ thống tài chính Trung Quốc
Trong khi Chu có vẻ là một người hòa nhã và thân thiện thì ông tỏ ra cứng rắn với tham nhũng và chủ động trong nỗ lực kiểm soát cũng như ổn định hệ thống tài chính Trung Quốc. Khi ông bước vào nhiệm kỳ thứ ba và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng từ năm 2013 đến năm 2018, Bitcoin đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc như một nguồn bất ổn tiềm tàng.
Vào năm 2013, PBOC đã cấm tất cả các tổ chức tài chính Trung Quốc xử lý giao dịch liên quan đến Bitcoin sau khi tiền điện tử này có giá trị tăng vọt.
Tanvi Ratna, CEO của think tank blockchain và crypto Policy 4.0, cho biết ông Chu nhận thấy tính ẩn danh của Bitcoin là vấn đề, vì công dân Trung Quốc sẽ giao dịch theo cách không thể theo dõi. Cô nói:
“Trước PBOC, ông Chu là một nhà quản lý thị trường vốn và rất ghét tham nhũng. Theo nghĩa đó, ông có thể đang sử dụng tiền kỹ thuật số như một công cụ để giúp ngân hàng ngăn chặn hành vi tham nhũng bằng cách truy tìm giao dịch bất hợp pháp”.
Từ năm 2000 đến năm 2002, ông Chu lãnh đạo Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), là cơ quan giám sát tài chính hàng đầu điều tiết thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Trong khi lãnh đạo CSRC, ông Chu được biết đến với cái tên Chu “Bapi” – Kẻ tước đoạt – vì nỗ lực trấn áp tham nhũng trong các thị trường vốn non trẻ, theo một báo cáo của Financial Times. Chủ tịch ngân hàng trung ương cũng nhấn mạnh vai trò của cơ chế thị trường và loại bỏ những trở ngại chi phối các công ty niêm yết khi ông là người đứng đầu ủy ban.
Trong bài phát biểu vào tháng 6, ông đã kêu gọi đất nước cải thiện tính minh bạch, tiêu chuẩn kế toán và quản trị của các công ty niêm yết khi ngày càng có nhiều đơn vị đang cố gắng niêm yết cổ phiếu tại thị trường trong nước trong khi đối mặt với áp lực pháp lý ngày càng tăng ở nước ngoài.
Vào năm 2014, sau khi có lệnh cấm Bitcoin vào năm 2013, ông Chu đã tập hợp lực lượng đặc nhiệm để nghiên cứu khả năng của một loại tiền kỹ thuật số quốc gia.
Sáng kiến nhân dân tệ kỹ thuật số nhanh chóng được các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc quan tâm nhiều hơn. Nó đã được viết vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc vào năm 2016. Được chính quyền Bắc Kinh phê duyệt, các Kế hoạch 5 năm là một loạt sáng kiến kinh tế và xã hội sẽ định hình nền kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương đã mời một loạt chuyên gia từ các quốc gia khác, như chuyên gia tư vấn từ Citibank và Deloitte để giúp họ hiểu các khuôn khổ pháp lý và kỹ thuật cho tiền kỹ thuật số quốc gia.
Trong hội nghị, ngân hàng trung ương nhấn mạnh sẽ tập trung vào các vấn đề như rửa tiền, trốn thuế và thanh toán xuyên biên giới.
Đến năm 2016, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát vốn, đối mặt và gia tăng áp lực từ các tổ chức quốc tế buộc phải thả nổi lãi suất đối với đồng nhân dân tệ và dự trữ ngoại hối thu hẹp nhanh chóng. Điều đó đã tạo động lực lớn hơn cho dự án nhân dân tệ kỹ thuật số, khi Trung Quốc tìm cách kiểm soát nhiều hơn các vấn đề tài chính của mình.
Ngân hàng trung ương đã áp đặt giới hạn tỷ giá hối đoái 50.000 đô la hàng năm, sẽ làm cho tiền di chuyển ở trong nước một cách hiệu quả để hỗ trợ đồng nội tệ. Tuy nhiên, Bitcoin có thể được sử dụng như một cách để tránh bị kiểm soát vốn ở Trung Quốc.
Vào năm 2017, PBOC đã cấm các sàn giao dịch fiat-crypto và coi mọi hoạt động quảng bá cũng như marketing là bất hợp pháp. Động thái này về cơ bản đã cấm các nhà đầu tư ở Trung Quốc mua Bitcoin bằng đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc áp đặt lệnh cấm sâu rộng đối với Bitcoin. Ratna cho biết, đất nước có một cách tiếp cận sắc thái hơn để kiểm soát tiền điện tử trong khi phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn có thể mua Bitcoin và các loại crypto khác thông qua OTC, nơi người mua có thể giao dịch với đối tác khi đã thỏa thuận một mức giá nhất định. Ngoài ra còn có một loạt các sàn có trụ sở tại Hồng Kông do các quy định khoan dung hơn của thành phố về giao dịch tiền điện tử. Ratna nói:
“Chính phủ mơ hồ về những gì họ đang làm với các loại tiền kỹ thuật số bởi vì đó là một cách chờ đợi và xác định xem những gì sẽ hoạt động tốt”.
Cuộc đua quốc tế
Ngân hàng trung ương đã thành lập Viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số (Digital Currency Research Institute) ở Thâm Quyến với một nhóm chuyên gia chuyên phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia cho Trung Quốc vào cuối năm 2016. Nhưng đến năm tiếp theo, Viện này mới được công bố. Ông Chu bổ nhiệm Yao Qian, phó giám đốc bộ phận công nghệ của PBOC làm lãnh đạo tổ chức.
Trong 2 năm tiếp theo, khi ông Chu từ chức và ngân hàng trung ương đang trong quá trình chuyển giao cho người kế nhiệm Dị Cương (Yi Gang), sáng kiến tiền tệ kỹ thuật số quốc gia phần lớn vẫn không được chú ý.
Tuy nhiên, Libra do Facebook hậu thuẫn (nay là Diem) sẽ khuếch đại sự thống trị của đồng đô la Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Chính điều này thúc đẩy PBOC phát triển nhân dân tệ kỹ thuật số. Nếu nó trở nên phổ biến, token được chốt bằng đô la sẽ được sử dụng rộng rãi trong thanh toán xuyên biên giới và các dịch vụ thanh toán bù trừ.
Những lời chỉ trích của ông Chu về đồng đô la là nhiều vô kể. Trong một bài luận năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông đã chỉ ra sức mạnh tối cao của đồng đô la Mỹ là một nhân tố chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và Trung Quốc, một trong những nước nắm giữ nợ lớn nhất của Mỹ trên thế giới, đã chịu rủi ro từ nền kinh tế Mỹ như thế nào.
“Sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng và lan tỏa ra toàn thế giới phản ánh những lỗ hổng vốn có và rủi ro hệ thống trong hệ thống tiền tệ quốc tế hiện tại”, ông Chu nói trong bài luận và lưu ý rằng thế giới cần một giải pháp thay thế tốt hơn cho các loại tiền dự trữ toàn cầu hiện có.
Ngân hàng đã tiết lộ khung kỹ thuật và mô hình phân phối của tiền kỹ thuật số quốc gia cho công chúng 3 tháng sau thông báo của Facebook vào tháng 6/2019. Ngay cả sau khi nghỉ hưu, ông Chu vẫn tiếp tục nghiên cứu và nêu chi tiết kế hoạch phát triển thêm DC/EP trong các bài báo đã xuất bản của mình.
Tiểu sử
Giống như nhiều nhà hoạch định chính sách cấp cao khác của Trung Quốc, những người sinh ra vào những năm 1940, ông Chu, không xuất thân từ ngành học về chính quyền. Ông tốt nghiệp Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh năm 1975 và nhận bằng Tiến sĩ về Tự động hóa – Kỹ thuật Hệ thống tại Đại học Thanh Hoa năm 1985.
Trước khi học đại học, ông Chu là công nhân tại Production and Construction Corps (Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng) ở tỉnh Hắc Long Giang, vùng lãnh thổ ở cực bắc Trung Quốc, từ năm 1968 đến năm 1972 trong Cách mạng Văn hóa. Cha của ông là Chu Jiannan, cũng là một nhà hoạch định chính sách quan trọng, theo một báo cáo của Financial Times.
Sự nghiệp của Chu Tiểu Xuyên có bước chuyển mình vào năm 1986 khi ông bắt đầu làm thành viên Nhóm chính sách kinh tế của Quốc vụ viện và là Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc. Ông Chu sau đó đã đảm nhận nhiều vai trò quan trọng về cải cách kinh tế của Trung Quốc trong phần còn lại của thập kỷ, theo tiểu sử G30.
Chu sau đó lãnh đạo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước và giữ chức chủ tịch China Construction Bank (Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc), một trong bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn ở Trung Quốc vào những năm 1990. Tại đây, ông giám sát các công ty quản lý tài sản, có trách nhiệm giảm bớt nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc và quản lý dự trữ ngoại hối của quốc gia.
Ông Chu cũng được học hỏi văn hóa phương Tây. Ông đã dành 2 năm trải nghiệm tại Đại học California, Santa Cruz với tư cách là một học giả thỉnh giảng và kết thân với các chủ ngân hàng trung ương phương Tây. Giám đốc ngân hàng trung ương có bằng tiến sĩ từ Đại học Thanh Hoa.
Cải cách tiền tệ
Ông Chu chủ trương và đưa ra các chính sách hỗ trợ dòng vốn tự do hơn qua biên giới sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Ông ủng hộ lãi suất thả nổi do thị trường đặt ra thay vì do chính phủ kiểm soát. Ông Chu nói trong một cuộc phỏng vấn với Caixin vào năm 2016:
“Cải cách chế độ tỷ giá hối đoái sẽ được thực hiện một cách kiên định. Chúng tôi kiên nhẫn. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy tiến bộ đáng kể trong việc cải cách chế độ tỷ giá hối đoái trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, hướng tới sự phụ thuộc nhiều hơn vào các lực lượng thị trường và tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn”.
Chu Tiểu Xuyên và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde
Có một điều chắc chắn là: Trong nhiệm kỳ của Chu Tiểu Xuyên, nhân dân tệ đã trở nên nổi bật. Bằng chứng là nó đã trở thành tiền tệ thứ năm được đưa vào quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hoạt động như tài sản dự trữ ngoại hối vào năm 2016. Bốn loại tiền tệ khác là đô la Mỹ, yên Nhật, euro và bảng Anh.
Một số người cho rằng có những hạn chế về ảnh hưởng của ông Chu đối với chính sách kinh tế của Trung Quốc do mối liên hệ của ông với phương Tây và nền tảng học thuật, theo phóng viên Neil Irwin của New York Times trong cuốn sách “Nhà giả kim: Ba chủ tịch ngân hàng trung ương và một thế giới bùng cháy”.
Một cựu quan chức của ngân hàng trung ương cho biết:
“Trong PBOC, Chu Tiểu Xuyên có quyền lực rất cao. Nhưng bên ngoài hệ thống tài chính, ông thiếu – tôi sẽ không gọi đó là ‘khả năng’, mà là ‘phong cách’ của các quan chức truyền thống Trung Quốc để giải quyết mọi việc trong quá trình giao tiếp với các bộ khác và xây dựng chính sách”, theo đoạn trích của cuốn sách trên tạp chí Foreign Policy.
Theo cuốn sách nói trên, các chủ ngân hàng trung ương khác biết về quyền hạn hạn chế của ông Chu trong việc đưa ra chính sách phối hợp vì những chính sách này phải được cơ quan chính trị cấp cao phê duyệt. Nói cách khác, ông không có quyền hành động một mình, nhưng điều này không hẳn là bất thường đối với các quan chức chính phủ ở Trung Quốc.
Hội đồng Nhà nước có quyết định cuối cùng về những chính sách như vậy, cho thấy những điều chỉnh thường xuyên đối với lãi suất, yêu cầu dự trữ của ngân hàng và quản lý tỷ giá hối đoái.
Trong cuộc họp thường niên với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới năm 2010, ông Chu cho biết Trung Quốc sẽ không tăng lãi suất trong năm đó. Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy 2 tuần, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tăng lãi suất thêm 0.25%. Trong khi các phương tiện truyền thông cáo buộc ông Chu gian xảo, nhiều khả năng chính quyền đã không thông báo cho ông khi họ đưa ra quyết định, theo cuốn sách.
Trong 3 nhiệm kỳ kéo dài 5 năm của mình, cách tiếp cận tự do và định hướng thị trường của ông Chu đôi khi bị chỉ trích ở Trung Quốc. Nhưng Ông Chu có lẽ cho rằng đây là một cái giá nhỏ phải trả.
“Lãnh đạo của ngân hàng trung ương nên có can đảm và khôn ngoan để đưa ra quyết định đúng đắn ngay cả khi không được lòng dân. PBOC không bị công chúng chỉ trích sẽ không chịu được thử thách của lịch sử”, người đứng đầu hiện tại của PBOC Dị Cương cho biết trong một bài phát biểu.
Minh Anh
Theo Coindesk
Theo dõi trang Twitter | Theo dõi kênh Telegram | Theo dõi trang Facebook