Cuối năm lại lo tín dụng đen ‘hoành hành’
Hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016 dưới dạng các công ty Fintech (công nghệ tài chính) và thường nhắm đến phân khúc đối tượng khách hàng không tiếp cận được với ngân hàng, công ty tài chính.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục có các cảnh báo nguy cơ biến tướng tín dụng đen của hoạt động cho vay này.
Liên tục có các cảnh báo
Trong dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế gửi các bộ, cơ quan ngang bộ lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra cảnh báo về hoạt động cho vay ngang hàng của nước ngoài hiện đang gia tăng hoạt động tại Việt Nam, có thể gây rủi ro, trong khi nhiều nước đang tăng cường quản lý, thắt chặt và giám sát chặt chẽ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù, mới xuất hiện nhưng các công ty trên có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, khách hàng. Trong khi hiện nay, khung khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động cho vay ngang hàng.
Các công ty hoạt động trong lĩnh này đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính… cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.
Hoạt động của mô hình P2P lending có mang lại ảnh hưởng tích cực nhưng nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ, có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Trên mạng xã hội, hàng loạt các app (ứng dụng) cho vay tiền trực tuyến xuất hiện công khai với những lời mời chào rất hấp dẫn, kèm theo thủ tục vay tiền rất đơn giản. Và dĩ nhiên, đó chỉ là các chiêu trò lôi kéo người vay tham gia.
Số tiền họ nhận được thấp hơn nhiều so với số tiền vay và cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn kiểu khủng bố tinh thần, đe dọa nếu chẳng may không trả nợ đúng hạn.
Thực tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng liên tục triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, tín dụng đen qua các ứng dụng cho vay trực tuyến trên mạng xã hội.
Đáng chú ý, theo Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Tp.Hồ Chí Minh, trong năm 2020, công an thành phố đã đấu tranh triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến đối tượng người Trung Quốc “móc nối” với một số đối tượng người Việt Nam lập các ứng dụng cho vay trực tuyến qua điện thoại thông minh. Các hoạt động cho vay này thường “núp bóng” dưới dạng của các công ty công nghệ, tài chính.
Điển hình như tháng 5/2020, tại Quận 2, lực lượng chức năng đã phát hiện hoạt động cho vay tín dụng đen tại Công ty TNHH Công nghệ Sora và Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Dĩ Thái Thế Kỷ mà đa phần các đối tượng trong công ty là người Trung Quốc.
Hay như tháng 6/2020, cơ quan công an đã kiểm tra hành chính Công ty TNHH Cashwagon và Công ty TNHH Lendtech (có trụ sở tại 17 Tôn Thất Tùng, Quận 1) thì phát hiện 2 công ty này sử dụng trang www.cashwagon.vn hoặc ứng dụng Cashwagon trên các app điện thoại di động cho vay.
Chúng đã tổ chức nhiều bộ phận khác nhau như kế toán, quản lý khách hàng nhắc nợ, đòi nợ… Đáng chú ý, lực lượng đòi nợ này có cả các đối tượng có tiền án tiền sự.
Cũng trong năm 2020, lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá thành công đường dây cho vay nặng lãi thông qua các app vay tiền nhanh do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Các đối tượng trong đường dây này đã cho hơn 60.000 người ở 60 tỉnh, thành vay số tiền khoảng 100 tỷ đồng.
Chúng sử dụng các ứng dụng như “Vaytocdo”, “Moreloan” hay “VD online” để cho vay với lãi suất “cắt cổ”, 2,5%/ngày, tương đương 17,5%/tuần, 75%/tháng và 912,5%/năm.
Sẽ sớm ban hành khung pháp lý
Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động cho vay ngang hàng, trả lời báo chí tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2021 mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục theo dõi thị trường để có giải pháp quản lý phù hợp.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, trong Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước được giao cơ chế thí điểm về P2P lending và đã có báo cáo trình Thủ tướng.
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng nghị định thí điểm về kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (fintech), trong đó có đề cập một hoạt động thử nghiệm về P2P lending.
Việc cơ quan quản lý nhanh chóng ban hành khung pháp lý cũng chính là tạo điều kiện cho các công ty làm ăn chân chính trong lĩnh vực cho vay ngang hàng phát triển đúng với vai trò thực.
Bởi thực tế, đối tượng các công ty fintech nhắm tới phần lớn là người dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng hay công ty tài chính.
Theo ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Công ty ATM Online – một fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay trực tuyến, phần lớn khách hàng tìm đến tín dụng đen một phần không đủ điều kiện để vay ở các tổ chức tín dụng khác, một phần họ ngại mất thời gian để cung cấp những giấy tờ chứng minh tài chính, khả năng thu nhập, chi trả của mình.
Do vậy, các công ty fintech hoạt động trong lĩnh vực này đang nỗ lực đưa hàm lượng công nghệ vào để mang đến cho khách hàng sự thuận tiện tối đa nhất, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Hiện công ty này đang sử dụng giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC) dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), sinh trắc học toàn diện… để định danh khách hàng.
Các khoản vay được giải ngân hoàn toàn tự động nên trong trường hợp khách hàng kê khai thông tin chính xác và hợp tác trong các cuộc gọi thẩm định, thời gian từ lúc khách hàng gửi thông tin đến thời gian nhận được tiền chỉ mất khoảng 15 phút.
Ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng quản lý kinh doanh và phát triển đối tác, Công ty tài chính Home Credit cho biết, trong thời gian qua, công ty liên tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như rút gọn quy trình cho vay theo hướng đơn giản nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Đây là bước quan trọng để quá trình vay và thanh toán vay diễn ra suôn sẻ, hạn chế chuyển thành nợ xấu.
Home Credit Vietnam cũng đã ứng dụng công nghệ eKYC để rút ngắn thời gian vay, tăng tính bảo mật và chống gian lận.
Công tác nhắc nợ và thu hồi nợ cũng diễn ra với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ như trợ lý ảo Tổng đài, tin nhắn điện thoại, thông báo ứng dụng… giúp gợi nhắc khách hàng thanh toán vay đúng hạn, tránh bị ghi nhận nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC).
Cuối năm lại lo tín dụng đen “hoành hành” – Bài cuối: Đẩy mạnh các kênh cho vay tiêu dùng chính thức
• VietnamBiz