FE Credit, HDSaison, HomeCredit và MCredit hoạt động như thế nào trong 9 tháng đầu năm?
Trong bối cảnh thu nhập người lao động bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, các công ty tài chính cũng gặp khó khăn khi nợ xấu có xu hướng tăng nhanh và lợi nhuận giảm sút.
Lợi nhuận giảm, nợ xấu gia tăng
Trong báo cáo hoạt động mới được công bố VPBank, lãi trước thuế 9 tháng đầu năm của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) chỉ đạt xấp xỉ 3.200 tỉ đồng, giảm so với con số gần 3.500 tỉ đồng của cùng kì năm trước.
Sự sụt giảm lợi nhuận của FE Credit được cho dễ hiểu trong bối cảnh hoạt động cho vay của công ty này gặp khó. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, tổng giải ngân của FE Credit đạt 45.000 tỉ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kì năm trước. Tính đến 30/9, tổng dư nợ mới tăng 6,4%, chỉ bằng một nửa của năm ngoái.
Cùng với sự sụt giảm về doanh số, biên lợi nhuận cho vay (NIM) của công ty tài chính này cũng liên tục suy yếu, từ 31,3% vào năm 2019 xuống 26,7% trong quí III/2020, mức thấp nhất kể từ năm 2018.
Bên cạnh đó, nợ xấu của FE Credit cũng gia tăng nhanh chóng từ mức 6% vào thời điểm cuối năm 2019 lên 6,9%, cao nhất kể từ cuối năm 2017.
Không chỉ FE Credit, một công ty tài chính hàng đầu khác là HDSaison cũng chứng kiến kết quả kinh doanh đi xuống.
Theo số liệu của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), lợi nhuận trước thuế của HDSaison trong quí III đạt 219 tỉ đồng, giảm 5,9% so với cùng kì năm trước. Tăng trưởng tín dụng trong quí III chững lại với mức tăng 1% so với cuối tháng 6. Trong khi, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần 70% lên 351 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần ngân hàng mẹ – HDBank.
9 tháng đầu năm, tín dụng của HDSaison chỉ tăng 8,3%, chưa bằng một nửa mức tăng 18,1% của năm 2019. Trong khi, lợi nhuận trước thuế tăng 8,4% so với cùng kì, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Đồng thời, NIM cũng suy yếu từ mức 29,4% trong 9 tháng đầu năm 2019 xuống 28,7% .
Ngoài ra, các chỉ số an toàn hoạt động của công ty cũng đi xuống trong những tháng vừa qua. Cụ thể, tỉ lệ nợ xấu đạt mức 6,77%, tăng mạnh so với con số 5,44% vào cuối năm 2019. Đồng thời, tỉ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm từ 54,5% xuống còn 49,8% trong khi tỉ lệ an toàn vốn (CAR) giảm về 10,9% từ mức 11,2%.
Tại HomeCredit, lợi nhuận của công ty này không được tiết lộ nhưng theo SSI Research, tỉ lệ hình thành nợ xấu cũng đã tăng nhanh trong nửa đầu năm nay.
Một công ty khác cũng gặp khó trong những tháng vừa qua là Mcredit. Theo số liệu được VCBS dẫn lại từ buổi gặp gỡ nhà đầu tư vừa qua, dư nợ của công ty tài chính tiêu dùng MCredit đến hết tháng 7 suy giảm 8%.
Đại diện MB cho biết mặc dù tín dụng suy giảm nhưng công ty đã thực hiện tốt việc cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với định hướng giảm tỉ trọng cho vay tiền mặt của NHNN. MCredit kì vọng tới cuối năm dư nợ sẽ tăng trưởng trở lại ở mức tối thiếu bằng 9% – room tăng trưởng tín dụng được cấp ở thời điểm hiện tại. Tỉ lệ nợ xấu của MCredit hiện ở mức 6,5% và nợ tái cơ cấu chiếm 4% tổng dư nợ.
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của MCredit khả quan hơn so với các đối thủ. Lợi nhuận trước thuế đã phục hồi trong quí III/2020, đạt 90 tỉ đồng (tăng 13% so với quí trước, một phần nhờ công ty đã tiết giảm được đáng kể chi phí vận hành). Trước đó, công ty ghi nhận lợi nhuận đạt gần 120 tỉ đông trong 6 tháng đầu năm.
Khó khăn là điều không tránh khỏi
Theo giới phân tích, nợ xấu trong phân khúc tài chính tiêu dùng tăng dường như là điều khó tránh khỏi, do các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng, vốn có thu nhập thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ thất nghiệp ở người Việt Nam trong độ tuổi lao động tăng lên 2,73% trong quí II (so với mức 2,16% và 2,22% trong quí II/2019 và quí I/2020), mức cao nhất trong thập kỉ qua, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động đã tăng lên gần 1,3 triệu người.
Thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch, với thu nhập bình quân hàng tháng của lao động trong quí II giảm 9,2% so với quí trước và 4,9% so với cùng kì năm ngoái.
Trong một báo cáo công bố mới đây, hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Moody’s lo ngại về cú sốc kinh tế do COVID-19 có thể gây tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính tiêu dùng do hồ sơ của người vay đa phần rất rủi ro.
Theo Moody’s, cả ba công ty tài chính là FE Credit, Home Credit và SHB Finance đều có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp, nhắm vào phân khúc khách hàng thu nhập thấp – đây là những người dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế. Hơn nữa, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của nhóm khách hàng phân khúc này, do nguồn thu nhập bị hạn chế, thiếu ổn định.
“Ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam dễ bị tổn thương. Việc xem xét hạ tín nhiệm của Moody’s phản ánh mức độ nghiêm trọng của cú sốc COVID – 19 tới các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam và ngân hàng mẹ, đặc biệt là sự suy giảm chất lượng tín dụng mà dịch bệnh gây ra”, báo cáo của Moody’s nhận định.
Không chỉ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, Thông tư 18/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2020 qui định về việc giảm tỉ lệ cho vay tiền mặt đối với các công ty tài chính cũng tạo áp lực lên mô hình kinh doanh của nhiều công ty tài chính tiêu dùng nhỏ và mới.
Theo đánh giá của của giới chuyên môn, việc siết cho vay tiền mặt sẽ đồng nghĩa các công ty tài chính không được phép cho vay tiền mặt với những khách hàng không có thông tin tín dụng, điều này sẽ khiến doanh thu bị ảnh hưởng.
Đồng thời, con đường phát triển cho vay tiền mặt tiêu dùng – vốn được xem là béo bở nhất sẽ bị chặn bớt, nhất là với các công ty vừa tham gia thị trường muốn nhắm đến mảng cho vay tiền mặt để sớm chiếm lĩnh được thị phần.
• VietnamBiz