Thua lỗ tạm thời (Impermanent Loss) trong DeFi là gì?
Nếu bạn đã và đang cung cấp thanh khoản cho các AMM (nhà tạo lập thị trường tự động) như Uniswap hoặc dự định làm như vậy, bạn có thể đã nghe đến thuật ngữ “thua lỗ tạm thời” (Impermanent Loss).
Vậy thua lỗ tạm thời là gì? Làm thế nào để tránh thua lỗ tạm thời? Bài viết này sẽ giải thích thua lỗ tạm thời là gì nhưng không đi sâu vào chi tiết kỹ thuật phức tạp và cung cấp một số mẹo để giúp giảm thiểu thua lỗ tạm thời cho nhà cung cấp thanh khoản.
Thua lỗ tạm thời là gì?
Như bạn có thể biết, để thêm thanh khoản cho một cặp giao dịch trên Uniswap, cần phải gửi giá trị bằng nhau của mỗi token trong một cặp vào pool.
Giả sử bạn có ETH trị giá 500 đô la và UNI trị giá 500 đô la trong ví của mình và bạn muốn thêm thanh khoản vào nhóm UNI-ETH. Tùy thuộc vào giá của từng loại tiền điện tử, bạn hiện nắm giữ 0.83 ETH và 128 UNI.
Bây giờ 1 ETH tương đương với 154.21 UNI. Tuy nhiên, sau khi gửi ETH và UNI vào pool, tỷ lệ này sẽ thay đổi vì giá trị thay đổi và giao dịch diễn ra. Kết quả là sẽ có nhiều UNI hơn và ít ETH hơn hoặc ngược lại trong pool.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi tỷ giá trao đổi lệch khỏi tỷ giá ban đầu mà bạn đã cung cấp thanh khoản cho cặp tiền? Bạn bị thua lỗ tạm thời. Nhưng nó xảy ra như thế nào?
Vì tỷ giá ban đầu và số lượng của mỗi token trong pool thay đổi nên khi bạn xóa thanh khoản của mình khỏi pool, bạn sẽ có nhiều ETH hơn và ít UNI hơn hoặc ít hơn ETH và nhiều UNI hơn. Ví dụ: 0.6 ETH và 150 UNI hoặc 1 ETH và 105 UNI.
Nếu bạn chỉ giữ 0.83 ETH và 128 UNI của mình trong ví thay vì gửi chúng vào pool thanh khoản, bạn có thể kiếm được nhiều đô la hơn.
Để tính toán khoản thua lỗ tạm thời, bạn nên tính giá trị 0.83 ETH và 128 UNI nếu bạn chỉ nắm giữ nó và giá trị 0.6 ETH và 150 UNI (thanh khoản đã loại bỏ).
Biểu đồ dưới đây cho thấy mức độ thua lỗ tạm thời có thể phụ thuộc vào sự thay đổi của giá:
Thua lỗ của nhà cung cấp thanh khoản do biến động giá | Nguồn: Medium
Giá thay đổi 2 lần dẫn đến khoản lỗ 5.7% so với việc nắm giữ và mức thay đổi giá 5 lần dẫn đến khoản lỗ 25.5% so với mức nắm giữ.
Bạn kiếm được phí giao dịch khi thêm thanh khoản vào pool, đây là lý do chính tại sao các nhà cung cấp thanh khoản tồn tại.
Tuy nhiên, trong hầu hết thời gian, vì các cặp tiền điện tử có thể khá dễ biến động nên thua lỗ tạm thời vượt quá thu nhập phí khiến các nhà cung cấp thanh khoản bị lỗ.
Làm thế nào để tránh thua lỗ tạm thời?
Thực sự không thể tránh được thua lỗ tạm thời. Nhưng có nhiều cách khác nhau để giảm thiểu nó. Dưới đây là 6 cách để hạn chế thua lỗ tạm thời với tư cách là nhà cung cấp thanh khoản.
Cung cấp thanh khoản cho các cặp stablecoin
Bạn có thể cung cấp thanh khoản cho các pool bao gồm 2 stablecoin như USDC-USDT. Đây có thể là cách tốt nhất để thoát khỏi thua lỗ tạm thời. Nhưng theo cách này, bạn không thể tận hưởng giá tăng trên thị trường khi nắm giữ stablecoin.
Trong một thị trường tăng giá, nắm giữ stablecoin và cung cấp thanh khoản cho một cặp tiền như vậy có thể không là ý kiến hay vì bạn sẽ không có được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, trong thị trường gấu, bạn có thể cung cấp thanh khoản cho một cặp như USDC-USDT và kiếm được phí giao dịch trong khi không mất bất kỳ khoản tiền nào trong thị trường giảm giá.
Tránh các cặp tiền điện tử rủi ro và dễ biến động
Giả sử bạn muốn cung cấp thanh khoản cho cặp LINK-ETH trên Uniswap. Nếu bạn nghĩ rằng LINK sẽ hoạt động tốt hơn đáng kể so với ETH hoặc ngược lại, đừng làm như vậy vì bạn sẽ dễ bị thua lỗ tạm thời hơn.
Nếu cả LINK và ETH đều tăng hoặc giảm giá trị so với nhau, bạn sẽ ổn vì tỷ giá ban đầu sẽ không thay đổi nhiều.
Ý tưởng ở đây không phải là tránh các loại tiền điện tử dễ biến động mà là xem xét hiệu suất trong tương lai của cả hai loại trong một cặp đối đầu với nhau.
Cung cấp thanh khoản cho các pool với tiền điện tử có trọng số không đồng đều
Nếu muốn kiếm phí bằng cách cung cấp thanh khoản cho các pool, không nhất thiết phải làm điều đó trên Uniswap. Có nhiều AMM khác như Balancer, SushiSwap và Mooniswap.
Hầu hết AMM là fork của Uniswap với các tính năng mới hoặc cơ chế cơ bản. Nhưng nhìn chung chúng rất giống với Uniswap.
Trong số các đối thủ cạnh tranh của Uniswap, Balancer rất khác biệt so với các AMM khác ở chỗ nó cho phép người dùng tạo pool với nhiều hơn hai token, đặt trọng lượng khác nhau cho mỗi token và tính phí giao dịch từ 0.0001% đến 10%.
Mặc dù mỗi pool trên Uniswap bao gồm hai token có trọng lượng bằng nhau nhưng có thể tìm thấy các pool có token có trọng số không đồng đều, chẳng hạn như 75% MKR 25% WETH trên Balancer.
Điều này quan trọng như thế nào với thua lỗ tạm thời? Điều gì xảy ra khi bạn cung cấp thanh khoản cho pool 75% MKR 25% WETH thay vì 50%-50%?
Nếu cung cấp thanh khoản cho pool 75% MKR 25% WETH và MKR tăng so với WETH, bạn sẽ bị thua lỗ tạm thời ít hơn so với việc cung cấp thanh khoản cho pool 50% WETH 50% MKR.
Vì vậy, nếu bạn lạc quan với MKR và nghĩ rằng nó sẽ tốt hơn ETH, thay vì cung cấp thanh khoản cho pool 50% MKR 50% WETH, bạn có thể cung cấp thanh khoản cho pool như 75% MKR 25% WETH trên Balancer.
Bằng cách này, có thể ít bị thua lỗ tạm thời hơn khi token bạn kỳ vọng tăng giá. Tuy nhiên, nếu mọi thứ không diễn ra như mong đợi và ETH vượt trội hơn MKR, thua lỗ tạm thời sẽ lớn hơn trong pool 75% MKR 25% WETH so với pool có MKR và WETH có trọng số bằng nhau.
Cung cấp thanh khoản cho các pool được khuyến khích và tham gia vào chương trình khai thác thanh khoản
Với sự bùng nổ của DeFi, hiện có rất nhiều ứng dụng DeFi và các sàn giao dịch phi tập trung, cũng như nhiều người đã phát hành token gốc của riêng họ.
Tất cả các AMM phổ biến đều có token riêng, phân phối cho các nhà cung cấp thanh khoản thông qua chương trình khai thác thanh khoản. Trong đó, phổ biến nhất là UNI và SUSHI.
Để giảm thiểu thiệt hại với tư cách là nhà cung cấp thanh khoản, bạn có thể tham gia vào các chương trình khai thác thanh khoản hoặc cung cấp thanh khoản cho các pool được khuyến khích. Một số dự án phân phối token của họ cho những người cung cấp thanh khoản cho một cặp nhất định trên AMM như Uniswap và Balancer, bạn có thể xem tại đây.
Chương trình khai thác thanh khoản đầu tiên của Uniswap đã kết thúc gần đây. Mooniswap có một chương trình khai thác thanh khoản đang diễn ra mặc dù token 1 inch vẫn chưa ra mắt.
Nếu bạn cung cấp thanh khoản cho các pool của SushiSwap, ngoài thu nhập từ phí, bạn có thể stake token LP của mình và kiếm được SUSHI. Các nhà cung cấp thanh khoản trên Balancer cũng nhận được phần thưởng token BAL hàng tuần.
Cung cấp thanh khoản cho Mooniswap
Mooniswap là AMM do nhóm 1inch lập ra. Là đối thủ cạnh tranh của Uniswap, nó nhằm mục đích giảm thua lỗ tạm thời cho các nhà cung cấp thanh khoản với cách tiếp cận tỷ giá giao dịch khác nhau.
Mooniswap giới thiệu số dư ảo làm giảm lợi nhuận của các nhà đầu tư kinh doanh chênh lệch giá do các pool đưa ra mức giá sai tạm thời, để lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà cung cấp thanh khoản.
Theo whitepaper của Mooniswap, nhóm dự kiến sẽ tạo ra nhiều hơn thu nhập cho các nhà cung cấp thanh khoản từ 50% đến 200% so với Uniswap do chuyển hướng lợi nhuận trượt giá.
Không loại bỏ thanh khoản cho đến khi tỷ giá trao đổi trở lại như ban đầu
Sau khi bạn cung cấp thanh khoản cho một cặp, tỷ lệ ban đầu mà bạn cung cấp thanh khoản cho cặp đó sẽ thay đổi, điều này khá bình thường. Nhưng, nếu tỷ giá trao đổi thậm chí còn sai lệch so với tỷ giá ban đầu thì thua lỗ tạm thời sẽ lớn hơn nhiều.
Bạn có thể đợi tỷ giá trao đổi quay trở lại tỷ giá ban đầu và thoát khỏi pool thanh khoản mà hầu như không bị thua lỗ tạm thời. Nhưng có vẻ không dễ dàng khi xem xét sự biến động trong thị trường tiền điện tử.
Thay vào đó, bạn nên đánh giá thị trường và nghiên cứu cẩn thận về từng token trong một cặp trước khi cung cấp thanh khoản vào pool.
Ngoài ra, bạn nên sẵn sàng thoát khỏi pool thanh khoản với thua lỗ tạm thời vào thời điểm nào đó.
Thuỳ Trang
Theo Dappgrid
Theo dõi trang Twitter | Theo dõi kênh Telegram | Theo dõi trang Facebook