VPBank đang đàm phán IPO FE Credit, dự kiến hoàn thành trong 5-6 tháng tới

Theo SSI Research, thương vụ IPO của FE Credit có thể hoàn thành trong quí III/2021 và ban lãnh đạo VPBank kì vọng định giá cổ phiếu sẽ ở mức trên 3 lần giá trị sổ sách.

fecredit.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: VPBank)

Theo thông tin cập nhật của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), gần đây, VPBank đã đàm phán lại với một đối tác quan trọng và hi vọng có thể đàm phán thành công trong 5 – 6 tháng tới, nhờ đó thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của FE Credit có thể hoàn thành trong quí III/2021.

SSI Research cũng cho biết, Ban lãnh đạo VPBank ước tính sẽ IPO FE Credit trong năm 2021 và kì vọng định giá cổ phiếu công ty này sẽ ở mức trên 3 lần giá trị sổ sách.

Về kết quả kinh doanh của FE Credit, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 3.200 tỉ đồng, giảm so với con số gần 3.500 tỉ đồng của cùng kì năm trước.

Trong 3 quí vừa qua, tổng giải ngân của FE Credit đạt 45.000 tỉ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kì năm trước. Tính đến 30/9, tổng dư nợ mới tăng 6,4%, chưa bằng một nửa của năm 2019.

Theo đánh giá của SSI Research, sự sụt giảm trong hoạt động cho vay là do Fe Credit tiếp tục tập trung vào quản lí rủi ro và thu hồi nợ thay vì giải ngân các khoản vay mới để tránh rủi ro tín dụng vượt mức. Bất chấp tác động tiêu cực đến lợi nhuận năm 2020, nhóm phân tích cho rằng ban lãnh đạo đã đưa ra quyết định đúng đắn và kì vọng tăng trưởng sẽ trở lại vào năm 2021.

Cùng với sự sụt giảm về doanh số, biên lợi nhuận cho vay (NIM) của FE Credit cũng suy yếu, từ 31,3% vào năm 2019 xuống 26,7% trong quí III/2020. Đồng thời, tỉ lệ nợ xấu cũng gia tăng nhanh chóng từ mức 6% vào thời điểm cuối năm 2019 lên 6,9%.

Theo SSI Research, NIM sụt giảm có thể đến từ việc tăng trưởng tín dụng trong kì là do khoản vay hợp vốn với ngân hàng mẹ (trị giá 4.000 tỉ đồng) cho một khách hàng trong lĩnh vực bất động sản. Điều này đã làm giảm lợi suất cho vay trung bình của danh mục đầu tư, do lãi suất cho vay tài chính tiêu dùng thường cao gấp đôi lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng khiến NIM công ty suy yếu.

• VietnamBiz